Cuộc đời mỗi con người là “vô thường” Vô thường - một đạo thuyết của Phật “Tất cả những gì trong thế gian là biến đổi, hư hoại, đều là vô thường” . Vậy vô thường là không ngừng thay đổi hình dạng, trạng thái từ sanh (được sinh ra), trụ (còn ở điều kiện tốt), dị (chuyển từ từ sang xấu), diệt (đi đến tan rã). Tất cả mọi sự vật trên đời này đều luôn luôn biến đổi. Thuyết Vô thường giúp khai trừ những sự u mê và ngăn chặn người đời chạy theo dục vọng một cách mù quáng. Tôi thấy lòng mình bỗng chật. Những gì trước đây tôi cho là đúng, bây giờ tôi đâm nghi ngờ. Những gì trước đây tôi luôn theo đuổi, giành giật để có, bây giờ thấy chẳng còn quan trọng nữa. Thân vô thường: Sinh, lão, bệnh, tử, bệnh tật, tai nạn bất thường luôn xảy ra. Tâm vô thường: Lòng tin dễ lung lay, lý tưởng cũng dễ thay đổi. Thời gian vô thường: Đời người thật ngắn ngủi để rồi thoáng chốc hiểu ra một điều được sống thanh thản, hưởng trọn niềm yêu thương là điều quý giá. Tiền vô thường: Khi chúng ta ra đời thì cũng đã chẳng có một đồng, khi chết rồi cũng chẳng mang đi được một xu. Tác phẩm Vô thường Cuốn sách do tác giả đồng thời cũng là một bác sĩ ghi chép lại những câu chuyện có thật trong phòng cấp cứu dưới góc nhìn đầy nhân văn của vị thầy thuốc hằng ngày chứng kiến những mảnh đời chấp chới giữa hai bờ sinh tử. Đúng như tên gọi của nó, tác giả Bảo Trung viết về quy luật vô thường của cuộc đời mỗi con người là: sinh, lão, bệnh, tử. Con người sinh ra giữa cuộc sống đầy bon chen, vất vả cả một đời nhưng đến khi “nhắm mắt xuôi tay” đến cả tấm thân mình cũng không thể mang theo. Khi hiểu được tất cả mọi thứ trên đời này đều là vô thường, con người sẽ tự động tránh xa những thú vui tạm bợ, tránh được “Tham - Sân- Si, Mạn, Nghi” để tìm thấy giá trị chân thật, hạnh phúc đơn giản từ những điều bé nhỏ xung quanh mình. Cuốn sách là tổng hợp những mẫu chuyện nhỏ của tác giả góp nhặt từ nghề nghiệp của mình rồi thổi thêm tâm tư của mình vào đấy. Mỗi câu chuyện, mỗi mảnh đời trong Vô thường được kể một cách giản dị nhưng ẩn chứa những tầng ý nghĩ vô cùng sâu sắc. Đa phần những câu chuyện này rất buồn, đọc xong thấy lòng mình chùng xuống. Sau những giây phút lắng đọng ấy là sự thức tỉnh, khi nhận ra đời người vô thường, sự sống thật quá mong manh, tình người lắm lúc hững hờ, gặp nhau rồi lại chia tay nhau, tất cả đều là duyên là phận. Hy sinh vì người khác luôn cho hương thơm bay ngược chiều gió. Gánh nặng vì tình yêu luôn song hành cùng sức mạnh vô song. Bất cứ gỗ đá nào chạm phải tình yêu đều trở nên bao dung mềm mại. Nổi bật ở tác phẩm này là cách tác giả lồng những lời nhạc của Trịnh Công Sơn vào bài viết, cũng như cách anh đưa triết lí đạo Phật vào từng câu chữ. Phải là một người ngấm triết lý Phật giáo lắm, phải có một trái tim đa cảm lắm, yêu thương con người, yêu thương cuộc đời lắm mới viết được những dòng trắc ẩn, lay động người đọc đến vậy. Có lẽ, công việc của một bác sĩ cấp cứu, ngày qua ngày trực tiếp đối diện với tận cùng nỗi thống khổ của kiếp người, tật bệnh, đói nghèo, chết chóc… nên trong anh luôn nặng nỗi niềm âm ỉ, đau đớn về thân phận con người. Mỗi câu chuyện “Vô thường đưa lên đều khiến nhiều độc giả rơm rớm nước mắt, nhưng sau những lay động ấy, là sự thức tỉnh, khiến mọi người tu thân tu tâm một cách vô thức và tự nguyện. Đó là thành công lớn của tác giả Bs. Bảo Trung – Vô Thường mà không phải cây bút nào cũng làm được. Những dòng như lời tâm sự, như là kể chuyện của Bs. Bảo Trung luôn đánh thức cái thiện, cái tình vốn ẩn trong sâu thẳm mỗi người mà vì bon chen cuộc sống, đôi khi nó bị lu mờ bị chìm đi. Những tay thét ra lửa, những tay sừng sỏ mà tôi từng kính nể, bỗng dưng tôi thấy họ bình thường. Họ cố gắng dùng đôi bàn tay chứng tỏ mình, khuếch trương mình, những cái họ có được chỉ là thứ trơ trẽn. Họ không bình yên trên vật chất họ có được. Họ khoác những chiếc áo sang trọng, tay đeo đầy những kim cương, xịt toàn nước hoa hảo hạng, nhưng không bao giờ có mùi hương thanh tao, dịu ngọt, toả lan khắp bầu trời. Những dòng viết của Bs Bảo Trung khiến cho người ta thấy buồn nhưng trong đó vẫn loé lên sự ấm áp, tin cậy vào trái tim nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn của những vị thầy thuốc, loé lên niềm tin sự tự tế vẫn còn hiện diện trên cõi đời này, ở những nơi tồn tại nỗi đau thống khổ của chốn nhân gian. Có cảm giác sau khi đọc xong những câu chuyện trong tác phẩm, bạn đọc sẽ ngộ ra rằng “Đời ngắn lắm thương nhau còn chưa đủ. Nói làm chi lời chia cách vực sâu” như lời thơ của nhà sư Thích Tánh Tuệ trong bài “Cho bỏ lúc trăm năm”.